QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM.

Đăng bởi Trần Đăng Hiệp vào lúc 23/12/2022

Trong xã hội đương đại, không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của tài sản đối với đời sống xã hội cũng như sự phát triển của nhân loại. Khi con người tạo ra của cải, vật chất cũng như có sự dư thừa nhất định thì nhu cầu chiếm giữ, quản lý càng được coi trọng và nó trở thành một nhu cầu tự nhiên của bất kỳ người chủ sở hữu nào. Do đó, từ lúc pháp luật mới ra đời thì quyền sở hữu tài sản cũng đã đề cập đến. Sau đây, Minh Thư Law xin cung cấp những thông tin cần thiết về quyền sở hữu.

  1. Khái niệm quyền sở hữu

Phải khẳng định quyền sở hữu là một phạm trù pháp lý chỉ tồn tại trong xã hội có Nhà nước và pháp luật, khi quyền của người chủ tài sản được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Pháp luật về quyền sở hữu chính là hành lang pháp lý, tạo ra những bảo đảm để chủ sở hữu có thể tự do thực hiện các quyền sở hữu của mình đồng với tài sản và cũng đảm bảo được tính an toàn cho tài sản trước sự xâm phạm trái pháp luật của các chủ thể khác.

Bộ Luật Dân Sự 2015 không định nghĩa như thế nào được coi là quyền sở hữu mà chỉ liệt kê quyền sở hữu bao gồm 3 quyền là: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Và các chủ thể sở hữu quyền này không được hoàn toàn tự do thực hiện theo ý chỉ của mình mà được giới hạn bởi các quy định của luật.

  1. Nội dung quyền sở hữu

Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt không phải là ba loại quyền khác nhau của chủ sở hữu đối với tài sản, mà thực chất là ba mặt khác nhau của quyền sở hữu khi nó được nhìn từ ba góc độ khác nhau.

2.1.Quyền chiếm hữu

BLDS 2005 đã định nghĩa quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản. BLDS 2015 không đưa ra khái niệm về quyền chiếm hữu nhưng dựa trên quy định tại Điều 186 BLDS 2015 thì quyền chiếm hữu có thể được hiểu là quyền của chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình và chủ sở hữu có thể uỷ quyền hoặc chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản của mình cho người khác. Mọi hành vi theo ý chí của chủ sở hữu không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Chủ thể có quyền chiếm hữu một tài sản là chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu chuyển giao hoặc do pháp luật quy được chiếm hữu tài sản đó. Chủ thể có quyền chiếm hữu được xác định dựa trên các căn cứ xác lập quyền chiếm hữu. Các trường hợp chiếm hữu có căn cứ được quy định tại Điều 165 BLDS 2015:

- Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

- Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

- Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

- Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2.2. Quyền sử dụng

BLDS 2015 đã định nghĩa cụ thể về khái niệm quyền sử dụng. Theo đó, quyền sử dụng được hiểu là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.

Khai thác công dụng của tài sản được hiểu là đưa ra sử dụng trực tiếp các tính năng, công dụng, những lợi ích vật chất khác của tài sản để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của chủ thể.

Hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản được hiểu là tài sản được đưa vào sản xuất, kinh doanh để phát sinh hoa lợi, lợi nhuận.

VD: Nuôi vịt lấy trứng, lấy thịt

Chủ sử dụng tài sản cũng phải dựa trên những căn cứ luật định. Theo đó, những chủ thể hợp pháp có quyền sử dụng hợp pháp hay có căn cứ đối với tài sản bao gồm những chủ thể sau:

- Chủ sở hữu tự mình sử dụng tài sản của mình

- Người được chủ sở hữu chuyển quyền sử dụng tài sản thông qua hợp đồng cho thuê, cho mượn, uỷ quyền quản lý và sử dụng, cầm cố và có thoả thuận cho sử dụng tài sản dùng làm vật cầm cố.

- Người chiếm giữ không có căn cứ nhưng ngay tình

- Người khác được sử dụng tài sản trong một số trường hợp do pháp luật quy định trong một giới hạn cụ thể.

VD: Người giám hộ sử dụng tài sản của người được giám hộ hoàn toàn vị lợi ích của người mà mình giám hộ.

2.3 Quyền định đoạt

BLDS 2015 đã đưa ra khái niệm về quyền định đoạt. Theo đó, quyền định đoạt được hiểu là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Hay hiểu cách khác thì quyền định là việc quyết định số phận của tài sản trên thực tế và pháp lý.

VD: Chủ thể có quyền chuyển nhượng tài sản của mình cho người khác.

Việc thực hiện quyền định đoạt tài sản có hệ quả pháp lý là làm chấm dứt quyền sở hữu tài sản. Nếu việc định đoạt tài sản bằng pháp lý thì còn phát sinh quyền sở hữu đối với bên được nhận chuyển nhượng.

Chủ thể có quyền định đoạt có thể trực tiếp thực hiện quyền định đoạt tài sản nếu đủ các điều kiện về năng lực chủ thể do pháp luật quy định. Chủ sở hữu tự mình định đoạt tài sản của mình theo ý chí của mình phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo quy định Điều 195 BLDS 2015 thì việc định đoạt tài sản phải tuân thủ 2 điều kiện sau:

- Điều kiện về năng lực chủ thể.

- Điều kiện về trình tự, thủ tục định đoạt tài sản

Bên cạnh đó, việc chủ sở hữu tự định đoạt đối với tài sản của mình cũng được luật hạn chế quyền quyền định đoạt. Cụ thể tại Điều 196 BLDS 2015 có quy định, việc định đoạt của chủ sở hữu bị hạn chế khi:

- Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định.

- Khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

- Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

 

Chi tiết liên hệ:

♻️ CÔNG TY LUẬT TNHH MINH THƯ

🏪Địa chỉ: Tầng 4, C16 - NV5, ô số 21, KĐT Hai bên đường Lê Trọng Tấn, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Tp Hà Nội.

📲Hotline: 0972805588 - 0975205588

🆓️ Email: luatsuthuc@hotmail.com.vn

💞 Website: http://luatsu.pro.vn